Công văn số 1267/MTTW-BTT ngày 04-4-2011 của Mặt trận Tổ quốc Viện Nam v/v hướng dẫn công tác tổ chức hội nghị cử tri để người ứng cử vận động bầu cử

UỶ BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

BAN THƯỜNG TRỰC
___________

 

Số: 1267/MTTW-BTT

(V/v hướng dẫn công tác tổ chức hội nghị cử tri để người ứng cử vận động bầu cử)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________

 

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2011

 

 

                              Kính gửi: Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc
                                               các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

 

Căn cứ các quy định tại Điều 52 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 46 Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và Nghị quyết số 1020/2011/ UBTVQH12 ngày 14/02/2011 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 (gọt tắt là Nghị quyết số 1020), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về công tác tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân vận động bầu cử như sau:

1. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Uỷ ban nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để những người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử. Hội nghị cử tri thuộc địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) thì giao cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

2. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

3. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện các nội dung:

- Chuẩn bị chu đáo về địa điểm và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ở khu vực tổ chức hội nghị để đông đảo cử tri có điều kiện đến dự, tránh tình trạng chỉ mời một số “cử tri đại diện”; đồng thời phối hợp đảm bảo tốt về an ninh trật tự tại các địa điểm tiếp xúc.

- Tổ chức thông báo rộng rãi trên đài phát thanh, truyền hình địa phương để nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri hiểu rõ hơn về người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử Hội đồng nhân dân.

- Thông báo sớm bằng văn bản cho những người ứng cử về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để người ứng cử chủ động sắp xếp thời gian, liên hệ với địa phương đến dự.

- Tổ chức hội nghị với những người ứng cử để đại diện Ủy ban nhân dân cùng cấp thông báo những nội dung cơ bản về tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương để người ứng cử xây dựng, dự kiến chương trình hành động của mình trước khi tổ chức các hội nghị cử tri.

4. Hình thức, nội dung vận động bầu cử; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong vận động bầu cử; việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử; việc vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện theo các quy định tại các điều 13, 14, 15, 16 Nghị quyết số 1020 được gửi kèm theo công văn này.

5. Trong quá trình điều hành hội nghị, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cần chú ý tạo không khí dân chủ, cởi mở; tránh gò ép nhưng cũng không vượt ra ngoài mục đích, yêu cầu của hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc như quy định tại Điều 12 Nghị quyết 1020.

6. Về số cuộc tiếp xúc và thời gian tiếp xúc:

Cần tạo điều kiện để những người ứng cử được tiếp xúc cử tri càng nhiều cuộc càng tốt. Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội ít nhất là 10 cuộc. Đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc. Đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc.

Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày 03/5/2011 đến hết ngày 18/5/2011. Hết thời gian trên, người ứng cử có thể thực hiện các hình thức vận động bầu cử khác theo quy định của pháp luật đến hết ngày 20/5/2011.  

7. Về trang trí địa điểm tiếp xúc cử tri: Cần trang trọng, có cờ Tổ quốc, tượng (hoặc ảnh) Bác Hồ, có các phương tiện âm thanh cần thiết và có chỗ ngồi cho cử tri. Phông phía trên trang trí như sau:

- Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội: "Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII ".

- Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân: “Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân... nhiệm kỳ 2011-2016”.

- Trường hợp ở những nơi tổ chức hội nghị chung cho cả người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân: Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân… nhiệm kỳ 2011- 2016”.

8. Việc lập và gửi báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị quyết số 1020.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần kết hợp gửi ngay báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với Đảng, Nhà nước (Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua cuộc bầu cử để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kịp thời tổng hợp báo cáo tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII.

 

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Hội đồng bầu cử;

- Chính phủ;

- Bộ Nội vụ;

- BTT UBTWMTTQVN;

- Các ban, đơn vị;

- Lưu VP, Ban DCPL.

TM. BAN THƯỜNG TRỰC

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Văn Pha

 

In trang
Các bài viết khác