14/03/2011 184 In bài viết
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
BAN THƯỜNG TRỰC ________
Số: 14/TTr-MTTW-BTT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc _________________________
Hà Nội, ngày 25 tháng 2 năm 2011
THÔNG TRI
V/v Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016
Căn cứ vào các văn bản pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết liên tịch số 01/2011/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 8/2/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; Nghị quyết số 1020/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cuộc bầu cử này như sau:
I. NỘI DUNG GIÁM SÁT
Cuộc bầu cử năm nay có hai đặc điểm cần lưu ý là: một là, trong cùng một thời gian phải tiến hành tổ chức cả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; hai là, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Vì vậy, trách nhiệm tổ chức thực hiện của các cơ quan hữu quan trong bầu cử rất lớn và phức tạp, nhất là đối với địa phương, cơ sở.
Công tác giám sát của Mặt trận tập trung vào các nội dung sau:
1.Giám sát hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử
- Cơ cấu, thành phần, số lượng thành viên Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử có điểm nào đúng hoặc chưa đúng với quy định của pháp luật.
- Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử gặp vướng mắc gì và cách tháo gỡ.
2. Giám sát việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và thủ tục, hồ sơ ứng cử
- Việc dự kiến người ứng cử của ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức được phân bổ người ứng cử.
- Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi công tác của người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử.
- Việc hướng dẫn thủ tục hoàn tất hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ đối với người tự ứng cử.
- Việc chuyển hồ sơ trong thời hạn luật định.
- Số lượng người được giới thiệu ứng cử so với số lượng đại biểu được bầu
3. Giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử
- Thành phần, số lượng cử tri.
- Chương trình hội nghị cử tri.
- Việc xác minh các vụ việc do cử tri nêu.
4. Giám sát việc lập danh sách cử tri và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về danh sách cử tri
- Cách tính tuổi.
- Tư cách cử tri và ghi tên cử tri vào danh sách.
- Người không được ghi tên vào danh sách cử tri.
- Việc niêm yết danh sách cử tri(nơi niêm yết danh sách cử tri).
5. Giám sát việc niêm yết danh sách những người ứng cử; việc xóa tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân
- Đảm bảo danh sách người ứng cử được niêm yết là danh sách chính thức do Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh chuyển đến.
- Đảm bảo những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã có trong danh sách chính thức, nhưng trong thời gian Hội đồng bầu cử chưa công bố danh sách mà người ứng cử bị khởi tố về hình sự, phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết thì phải có đề nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh thành phố trực thuộc trung ương xóa tên người đó trong danh sách niêm yết.
- Đảm bảo trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu mà người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp bị khởi tố về hình sự, phạm tội quả tang, bị mất hành vi dân sự hoặc bị chết theo xác định của cơ quan có thẩm quyền phải xóa tên trong danh sách niêm yết.
6. Giám sát việc tiếp xúc cử tri với người ứng cử vận động bầu cử
- Cách bố trí, sắp xếp nơi diễn ra hội nghị tiếp xúc cử tri.
- Người ứng cử trình bày dự kiến chương trình hành động; ý kiến về thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nếu trúng cử.
7. Giám sát việc vận động bầu cử bằng phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền về bầu cử
- Bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu vận động bầu cử cho người ứng cử.
- Bảo đảm công bằng giữa người ứng cử khi sử dụng các hình thức, nội dung và thời gian trong vận động bầu cử thông qua các phương tiện truyền hình, phát thanh, báo giấy.
- Trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng nơi diễn ra vận động bầu cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có người ứng cử đang vận động bầu cử bằng phương tiện thông tin đại chúng; trách nhiệm của người ứng cử.
- Tình hình chung về tuyên truyền công tác bầu cử ở địa phương.
8. Giám sát trình tự bầu cử, thể thức bỏ phiếu trong ngày bầu cử
- Thẻ cử tri (theo mẫu quy định).
- Bố trí khu vực bỏ phiếu.
- Việc chấp hành nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; không bỏ phiếu hộ người khác, thậm chí bỏ cho cả một nhóm người.
- Việc đóng dấu "Đã đi bầu" của tổ bầu cử vào thẻ cử tri đối với cử tri đã bỏ phiếu bầu.
- Việc mở hòm phiếu và kiểm phiếu.
- Việc ghi biên bản và kết quả bầu cử.
II. YÊU CẦU, BIỆN PHÁP VÀ HÌNH THỨC GIÁM SÁT
1. Yêu cầu
- Khi phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phải thông tin kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
- Không tự ý xử lý vấn đề không thuộc thẩm quyền và chức năng của mình.
2. Biện pháp
- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội địa phương phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp để giám sát.
- Chủ động trong các hoạt động của mình dựa trên chức năng nhiệm vụ mà pháp luật về bầu cử và các văn bản liên quan đã quy định.
- Lắng nghe ý kiến phản ánh của cử tri và nhân dân.
- Những nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp để giám sát.
3. Hình thức
3.1 Giám sát trực tiếp thông qua:
- Việc tổ chức các hội nghị hiệp thương lựa chọn người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
- Việc tổ chức các hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú của người ứng cử.
- Việc tổ chức vận động bầu cử để người ứng cử tiếp xúc với cử tri.
3.2 Giám sát gián tiếp thông qua:
- Việc tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại của công dân.
- Phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
- Việc tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử.
- Các phương tiện thông tin đại chúng.
- Hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử.
- Các hình thức phù hợp khác.
III. MỘT SỐ LƯU Ý VỀ THỰC HIỆN
1. Kết thúc cuộc bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo hoạt động giám sát bầu cử về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam (trước ngày 10/6/2011).
2. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam sẽ tổ chức các đoàn giám sát việc thực hiện công tác bầu cử tại một số địa phương (sẽ có kế hoạch gửi trước tới các địa phương).
3. Trong quá trình giám sát bầu cử, nếu phát hiện việc vi phạm pháp luật về bầu cử, có thể gây ảnh hưởng xấu đến kết quả bầu cử thì thông báo kịp thời lên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam để Ban Thường trực phối hợp với Hội đồng bầu cử Trung ương xem xét giải quyết ./.
Nơi nhận:
- UBMTTQ cấp tỉnh;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Hội đồng bầu cử;
- Các tổ chức thành viên;
- Các vị trong ĐCT, BTT;
- Các ban, đơn vị;
- Lưu: VP, Ban DCPL.
TM. BAN THƯỜNG TRỰC
PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG THƯ KÝ
(đã ký)
Vũ Trọng Kim