HƯNG YÊN: KINH NGHIỆM TRONG THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ VỀ BẦU CỬ

Từ thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bầu cử của địa phương, Ủy ban bầu cử tỉnh Hưng Yên đã nêu ra những điểm tích cực, các hạn chế, vướng mắc, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp khắc phục cho vấn đề này. Hoidongbaucu.quochoi.vn trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu tham luận của Ủy ban bầu cử tỉnh Hưng Yên.

 

Bí thư Thành ủy Hưng Yên kiểm tra công tác bầu cử tại các phường, xã.

 

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước!

Thưa toàn thể Hội nghị!

Được sự đồng ý của Ban Tổ chức Hội nghị, thay mặt UBBC tỉnh Hưng Yên, tôi xin phát biểu tham luận tại Hội nghị với chủ đề: “Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bầu cử - Những điểm tích cực, các hạn chế, vướng mắc, kinh nghiệm và đề xuất giải pháp khắc phục.”

Kính thưa các đồng chí!

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh Hưng Yên có tổng số 913.661 cử tri trong danh sách; có 03 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội với số đại biểu Quốc hội của tỉnh được ấn định bầu là 07, số người ứng cử là 13; có 14 đơn vị bầu cử HĐND tỉnh với số đại biểu HĐND tỉnh được ấn định bầu là 53, số người ứng cử là 89; có 71 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện với số đại biểu HĐND cấp huyện được ấn định bầu là 323, số người ứng cử là 533; có 1.155 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã với số đại biểu HĐND cấp xã được ấn định bầu là 4.074, số người ứng cử là 6.841.

Xác định bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm của cả nước và tỉnh Hưng Yên trong năm 2021. Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 46-CT/TU ngày 09/9/2020 về lãnh đạo, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Hưng Yên, nhiệm kỳ 2021-2026; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập UBBC đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2021-2026, Chỉ thị về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bầu cử được BTV Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh, UBBC tỉnh đặc biệt coi trọng, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, thể hiện trên một số mặt:

Thứ nhất, Ngay sau Hội nghị toàn quốc triển khai về công tác bầu cử, UBBC tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác bầu cử. Tập trung quán triệt Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; các văn bản của Trung ương và UBBC tỉnh về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó tập trung quán triệt sâu, kỹ Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW ngày 02/12/2020 của UBKT Trung ương về giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp.

Thứ hai, UBBC tỉnh đã thành lập Tiểu ban chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, để giúp UBBC tỉnh chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; 100% UBBC cấp huyện, xã đã thành lập Tiểu ban giải quyết KNTC để tham mưu, giúp UBBC cấp mình chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

UBBC tỉnh đã chỉ đạo Tiểu ban GQKNTC tỉnh sớm ban hành Kế hoạch chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; phân công UBKT Tỉnh ủy làm cơ quan Thường trực tiếp nhận, xử lý đơn thư; thành lập Tổ Thư ký giúp việc Tiểu ban GQKNTC để tiếp nhận, tổng hợp, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử, giúp theo dõi, đôn đốc chỉ đạo việc giải quyết đối với những đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực, thẩm quyền của ngành, đơn vị mình phụ trách. UBKT Tỉnh ủy (cơ quan Thường trực của Tiểu ban) đã thành lập Tổ giúp việc Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy thực hiện việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đối với cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý; tổ chức phân công cán bộ trực tiếp dân, xử lý đơn thư hàng ngày phục vụ bầu cử; chỉ đạo thành viên UBKT Tỉnh ủy, cán bộ kiểm tra tăng cường đi cơ sở, nắm bắt tình hình công tác chuẩn bị bầu cử, trong ngày tổ chức bầu cử 100% cán bộ theo dõi địa bàn phải đi cơ sở để theo dõi, giám sát công tác bầu cử.

Thứ ba, BTV Tỉnh ủy, UBBC tỉnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử, trong đó BTV Tỉnh ủy đã thành lập Đoàn giám sát đối với 10 BTV huyện ủy, thành ủy, thị ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 46 của BTV Tỉnh ủy về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; UBBC tỉnh đã thành lập 05 Đoàn kiểm tra công tác bầu cử của các đơn vị trên địa bàn tỉnh, việc kiểm tra được tiến hành 03 đợt. Qua kiểm tra, giám sát, BTV Tỉnh ủy, UBBC tỉnh đã kịp thời chỉ đạo cấp ủy đảng, UBBC cấp dưới thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bầu cử, đặc biệt nhắc nhở, chấn chỉnh, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật, hướng dẫn của UBKT Trung ương về giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp ủy, UBKT các cấp liên quan đến công tác bầu cử.

Kết quả từ ngày 01/02/ 2021 đến 23/5/2021, UBBC các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận 298 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến quy trình bầu cử và nhân sự ứng cử đại biểu HĐND các cấp (UBBC cấp tỉnh nhận 54 đơn; cấp huyện nhận 152 đơn; cấp xã nhận 92 đơn). Qua xử lý thấy: đa số đơn thư tố cáo, phản ánh về nhân sự ứng cử đại biểu HĐND các cấp (HĐND tỉnh 08; HĐND cấp huyện 12; HĐND cấp xã 110); số ít đơn khiếu nại về việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác, về lập danh sách cử tri và một số nội dung khác (hồ sơ ứng cử, cơ cấu đại biểu ứng cử….). Nội dung tố cáo, phản ánh về người ứng cử chủ yếu liên quan đến công tác thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện dồn thửa, đổi ruộng, tranh chấp đất đai; tiêu cực trong quản lý tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội, công tác cán bộ; thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, bao che người bị tố cáo, không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật… Đối tượng bị tố cáo, phản ánh chủ yếu là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã, công chức địa chính, cán bộ chuyên môn cấp xã, trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn; một số đối tượng bị tố cáo là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện. Số đơn thư trùng lặp về nội dung, đơn không liên quan đến bầu cử do nội dung tố cáo của công dân xuất phát từ việc khiếu nại, tố cáo không đạt được mục đích, nên chuyển sang tố cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức giải quyết mà không đưa ra được căn cứ tố cáo chiếm gần 50% số đơn đã nhận. Đối với đơn có nội dung tố cáo, phản ánh về người ứng cử: các cơ quan có thẩm quyền đã xác minh kết luận 90 trường hợp; đưa ra khỏi danh sách ứng cử 04 ứng cử viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn (ứng cử viên HĐND cấp xã). Số ứng cử viên chưa được cơ quan có thẩm quyền xác minh, kết luận đã được báo cáo Thường trực HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 chỉ đạo giải quyết. Hầu hết các khiếu nại về việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác, việc lập danh sách cử tri, về kết quả bầu cử đã được các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét, trả lời theo đúng quy định.

Nhìn chung, việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bầu cử được triển khai, thực hiện nghiêm túc từ cấp tỉnh đến cơ sở, đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đối với người ứng cử và các tổ chức bầu cử; UBBC các cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, khách quan, chính xác theo đúng quy định của pháp luật và của Đảng, giúp cho việc lựa chọn những người ứng cử đảm bảo tiêu chuẩn quy định; góp phần giúp cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra thành công tốt đẹp, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, an toàn, đúng pháp luật, không có sự cố bất thường xảy ra, tỷ lệ cử tri đi bầu cử của tỉnh Hưng Yên đạt trên 98,03%.

Kính thưa toàn thể Hội nghị!

Từ thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bầu cử, UBBC tỉnh Hưng Yên rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là: Kịp thời, thường xuyên quán triệt sâu sắc Luật Bầu cử, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản khác của Đảng, Nhà nước để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức bầu cử có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, nghiêm túc về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời rà soát, giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để phát sinh phức tạp, lợi dụng bầu cử để tiếp tục khiếu nại, tố cáo.

Hai là: Thống nhất sự lãnh đạo toàn diện của Đảng về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát về bầu cử, trong đó có công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để tránh chồng chéo, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết các vướng mắc phát sinh; thường xuyên giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân trong công tác bầu cử, nhất là tại các Tổ bầu cử.

Ba là: Xây dựng kế hoạch chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo cụ thể ở từng cấp, trong đó có sự phân công cụ thể rõ ràng nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan nhà nước theo lĩnh vực phụ trách, thẩm quyền quản lý, phát huy trách nhiệm của cơ quan thường trực (UBKT các cấp); lựa chọn, bố trí cán bộ có kinh nghiệm, năng lực làm công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Qua thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử cho thấy một số khó khăn, vướng mắc:

1 - Luật Bầu cử chưa phân biệt giữa chủ thể quyền khiếu nại với chủ thể tố cáo trong hoạt động bầu cử. Theo các quy định hiện hành, người tố cáo trong bầu cử có thể là bất kỳ cá nhân nào biết về các vi phạm pháp luật của cử tri, người ứng cử, các tổ chức bầu cử, thành viên của các tổ chức bầu cử đều được thực hiện quyền tố cáo. Do việc khiếu nại phải gắn với yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại nên pháp luật bầu cử cần phải xác định rõ quyền khiếu nại thuộc về chủ thể nào. Cụ thể, Luật cần quy định rõ, đối với danh sách cử tri thì người khiếu nại là cử tri hoặc công dân có đủ điều kiện là cử tri khiếu nại về danh sách cử tri có liên quan đến mình; đối với việc lập danh sách người ứng cử, người khiếu nại phải là người đã được giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử khi phát hiện có sai sót trong danh sách người ứng cử liên quan đến mình; các cơ quan, tổ chức giới thiệu người ứng cử cũng có quyền khiếu nại về danh sách người ứng cử liên quan đến người ứng cử do cơ quan, tổ chức đã giới thiệu; khiếu nại về kết quả bầu cử chỉ nên được xác định là quyền của người ứng cử. Việc xác định rõ người khiếu nại không chỉ giúp cá nhân, tổ chức hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình mà còn làm căn cứ để các tổ chức bầu cử có thể từ chối giải quyết những khiếu nại do người không có quyền khiếu nại gửi đến, cũng như hạn chế trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng quyền khiếu nại làm cản trở hoạt động bầu cử.

2 - Điều 75 Luật Bầu cử chỉ quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu tại chỗ của Tổ bầu cử, nếu không giải quyết được thì chuyển đến Ban bầu cử mà không quy định rõ Ban bầu cử sẽ giải quyết khiếu nại, tố cáo này trong thời hạn bao nhiêu lâu. Để bảo đảm tính khả thi của Điều luật này, cần sửa đổi Điều 75 theo hướng xác định rõ thời gian Ban bầu cử giải quyết khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu do Tổ bầu cử chuyển đến là 3 ngày (Thời hạn này phù hợp với thời hạn xác định và công bố kết quả bầu cử).

3 - Tại Điểm 9 Mục II Kế hoạch số 42/KH-HĐBCQG ngày 19/01/2021 quy định “Việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu HĐND, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND  ở cấp nào thì được gửi đến Ban bầu cử đại biểu HĐND ở cấp đó”. Trong khi đó, Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW của UBKT Trung ương hướng dẫn việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp quy định cấp ủy “chủ trì giải quyết theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo giải quyết những tố cáo, khiếu nại theo Quy định số 30-QĐ/TW”; quy định trách nhiệm của UBKT các cấp “giải quyết đơn thư thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết”, mà theo đó thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Đảng thực hiện theo phân cấp, nguyên tắc là cấp ủy, UBKT giải quyết đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý. Do đó, một số nơi khi thực hiện giải quyết đơn thư khiêu nại, tố cáo về bầu cử đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý (kể cả tố cáo về tiêu chuẩn người ứng cử), đã căn cứ vào Kế hoạch 42/KH-UBBCQG để chuyển đơn thư về Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp dưới để xem xét, giải quyết dẫn đến thực hiện không thống nhất Hướng dẫn 13-HD/UBKTTW. Đề nghị Hội đồng bầu cử Quốc gia nghiên cứu, xem xét sửa nội dung tại Điểm 9 Mục II trong Kế hoạch số 42/KH-HĐBCQG cho cụ thể, thống nhất, thuận lợi trong tổ chức thực hiện và phù hợp với Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW.

Kính thưa toàn thể Hội nghị!

Trên đây là ý kiến phát biểu tham luận của đại diện UBBC tỉnh Hưng Yên. Trước khi ngừng lời, xin được kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Bích Ngọc

In trang
File đính kèm
Các bài viết khác